So sánh sản phẩm

Làm thế nào để sử dụng yếu tố cảm xúc trong xây dựng thương hiệu (Phần 1)

Ngày đăng : 14:17:54 29-05-2017
Bạn không cần phải là chuyên gia kinh tế mới biết được để duy trì nguồn thu nhập ổn định, bạn cần biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng, rồi biến khách hàng thành khách hàng thân thiết. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Để điều đó trở thành hiện thực, bạn phải luôn luôn cung cấp những sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất. Và trừ khi bạn kinh doanh trong một thị trường ngách, nếu không bạn sẽ phải cạnh tranh với vô vàn đối thủ cạnh tranh - những người cũng có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm giống bạn.

Để chiến thắng đối thủ, bạn phải xây dựng được một thương hiệu mạnh mẽ và hấp dẫn. Thương hiệu không chỉ là logo, nó là tất cả những ấn tượng mà khách hàng có được khi nhìn thấy hay nghe thấy bạn.
Những công ty thành công trong xây dựng thương hiệu có thể khiến khách hàng thường xuyên sử dụng lại sản phẩm của mình. Như Apple là một ví dụ điển hình: mỗi lần ra mắt một phiên bản điện thoại thông minh mới, không cần quảng cáo rầm rộ, Apple vẫn có thể khiến khách hàng háo hức chờ đợi và mong ngóng được sử dụng sản phẩm.

Vì khách hàng của bạn là những con người thực sự, nên mối quan hệ giữa họ và bạn phải là mối quan hệ cảm xúc. Mọi yếu tố trong thiết kế website hay chiến lược tiếp thị của bạn phải ưu tiên tạo ra mối quan hệ cảm xúc ấy. Hãy luôn luôn ghi nhớ 5 mẹo sau đây để xây dựng thành công một thương hiệu mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho khách hàng

1. Xác định hình tượng thương hiệu

Để kết nối thành công một khách hàng với nhãn hiệu của bạn, các yếu tố tâm lý con người cần phải được sử dụng. Phân tích quá trình tư duy của khách hàng sẽ giúp bạn rất nhiều trong công cuộc phát triển thương hiệu.

Sản phẩm của bạn được thiết kế vô cùng hấp dẫn hay được thiết kế để mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn và bình an cho khách hàng? Chúng có ngay lập tức thỏa mãn được nhu cầu của họ, có ngay lập tức giải quyết được vấn đề mà họ gặp phải?

Hãy nghĩ đến phản ứng đầu tiên nổi bật nhất của khách hàng khi lần đầu tiếp xúc với sản phẩm của bạn, bạn muốn chúng phải như thế nào? Khi đã quyết định xong, xây dựng hình ảnh thương hiệu của bạn dựa trên chúng là cách bạn phải thực hiện.

Hãy nhớ rằng chức năng đặc biệt của một sản phẩm không quyết định phản ứng nổi bật mà khách hàng dành cho nó. Ví dụ như, một số loại bia chỉ chuyên được dùng cho các bữa tiệc trên bãi biển, trong khi một số loại khác, có hình tượng tao nhã và tinh tế hơn thì không. Điều đó chứng tỏ rằng, cách bạn muốn khách hàng nhìn nhận sản phẩm của bạn sẽ quyết định phản ứng thực tế của họ, chứ không phải bản thân sản phẩm.

2. Xác định màu sắc chủ đạo của thương hiệu

Như đã nói ở trên, tâm lý khách hàng và xây dựng thương hiệu có mối liên hệ mật thiết, không thể tách rời. Để xây dựng thương hiệu, cần xây dựng cảm xúc. Để xây dựng cảm xúc cần hiểu tâm lý khách hàng.
Một trong những yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người dùng là màu sắc chủ đạo của thương hiệu. Dù bạn có tin hay không, thì não bộ của con người vẫn luôn luôn phản ứng bản năng đối với màu sắc. Thế nên, hãy chú ý đến màu sắc khi thiết kế thương hiệu và hãy chắc chắn rằng hệ màu mà bạn sử dụng phù hợp với hình tượng thương hiệu mà bạn lựa chọn.

Ví dụ như Life Alert, sử dụng đỏ và vàng làm màu chủ đạo, bởi vì những màu này mang đến cảm giác vừa mạnh mẽ vừa gấp rút, rất hấp dẫn và gây chú ý. Nó khác biệt với rất nhiều website trên Internet – những website đang phụ thuộc quá nhiều vào màu xanh dương, bởi vì màu xanh dương khiến người ta cảm thấy thư thái và đáng tin cậy.